Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

QUY LUẬT TAM GIỚI

MỘT SỐ LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI HỌC PHẬT

24h
24h
MỘT SỐ LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI HỌC PHẬT.

Đối với người tín niệm, mới bước vào con đường giác ngộ, thường hoang mang bất định, không biết rằng mình nên (tu tập) như thế nào cho đúng, rất nhiều người gửi câu hỏi đến thầy rằng: (Con nên đọc kinh nào? Con nên tụng chú gì? Con nên làm thế nào mới gọi là tu phật!?).

Để trả lời những câu hỏi ấy, trước đây trong bài pháp (TU TẠI GIA LÀ LÀM THẾ NÀO) thầy có chỉ dẫn tường tận mọi điều nghi ngại ấy!

Hôm nay, thầy xin không nhắc lại nơi này, (với những ai còn chưa thấu triệt có thể tìm đọc lại trên trang hoặc trong sách QLTG Tập 3).

Nhưng hôm nay thầy muốn sẻ chia mấy điều cần kíp, vì có rất nhiều người mới vào đường tu đương bất định, mông lung!

* Vấn đề thứ nhất: Đối với người tín niệm (phật tử), và những người mới quy y, chưa có đạo hạnh nhiều, thầy khuyên rằng (chỉ nên nghe chú, không nên niệm chú), (mật chú) vốn dĩ là mật ngữ của chư vị La Hán, Bồ Tát, Phật, chung quy lại là mật ngữ của những bậc (GIÁC NGỘ - ĐOẠN VÔ THƯỜNG, LÌA SANH TỬ).

Người phàm dù có niệm cũng không hiểu nghĩa, không cảm thụ được pháp âm uy lực, tập nghiệp sâu dày, tạp niệm chưa dứt, khi niệm chỉ có làm ô uế mật chú chứ không phát được chút pháp lực nào từ mật chú ấy, vậy nên cần gìn giữ cho mai sau, không nên trì niệm tùy ý, chỉ có hại chứ không ích lợi gì.

* Vấn đề thứ nhì: Kinh nên đọc, không nên tụng! Kinh điển ngày nay phần nhiều đã bị diễn đạt, biến tấu lệch lạc rất xa yếu nghĩa căn bản từ di huấn của Thế Tôn. Vì vậy ai đó nghĩ rằng (tụng kinh, gõ mõ - nghĩa là tu) thì đó là một sai lầm to lớn!

Khi đọc kinh điển nên học hàm ý là chính. Phải tìm hiểu lịch sử, phải đặt vào hoàn cảnh của bộ kinh ra đời, ngụ ý giáo huấn của Thế Tôn, từ đó liên hệ với điều kiện sống thực tại, ghi nhớ và nghiêm cẩn hành trì.

* Vấn đề thứ ba: Phật nên thờ chỉ một, phật nên quán đủ mười!

Nên thờ chỉ một - tức là chỉ nên chọn lấy một vị Giác Ngộ nào mà ta cảm tình nhất, khi đó ta nên thành khẩn kiên định mà tôn tượng, lập trang thờ kính, ngưỡng vọng, đừng bắt chước người khác thờ phụng năm bảy người, mà tâm trí rỗng tuếch, vô định.

Nên quán đủ mười - tức là nên quán lấy những người chung quanh có một điều nào đã (đạt được) như lời phật dạy, tỉ dụ: Ta quán có chú bảo vệ không tham tài vật của người khác, vậy chú ấy có tính "bất tham" (như lời phật dạy), nên kính trọng, yêu mến họ, và như vậy, cho đến ít nhất mười người chung quanh ta, để ta tự răn mình chỉnh sửa khi ta bị tà ma dẫn dụ làm điều xằng bậy.

* Vấn đề thứ tư: Ta tu từ góc bếp tu ra đến ngã đường, không tu từ ngã đường về góc bếp.

Tu từ góc bếp: Là tu từ niệm vô sát, không ăn không thèm ăn từ sanh mạng của loài nào, góc bếp giúp ta bừng tỉnh (đoạn lìa sát nghiệp, mới là khởi đầu của sự tu trì), không ăn các con vật ta thấy, ta nghe, ta biết nó chết vì ta. Cho nên góc bếp là nơi khởi đầu của người tu đạo, chứ không phải Góc chùa, Góc chợ.

Tu ra ngã đường, tức biết trợ giúp người khác cùng tu, biết sẻ chia, bố thí, đồng cảm với chúng sanh vô minh trong đời, không phân biệt là ai, có thân hay không thân, có biết hay chưa quen biết.

Không tu từ ngã đường về góc bếp: Là ta không mang cái tu ra làm bình phong (khoa trương) với thiên hạ, hành thiện nên gói vào tâm thức, giúp người là ta tự giúp mình, về tới bếp nên tự vấn tâm mình, sẽ an lạc nội tại, bền chắc chánh niệm.

Mấy lời chia sẻ, hy vọng ích hữu cho người cần.

Chúc tất cả an lạc, tinh tấn!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!!!
24h