Điều này chắc là có nhiều người cũng băn khoăn như thế. Hôm nay tôi nói cái lẽ cũ hay mới này để cho mọi người hiểu cho rõ.
Trước tiên tôi xin nói, cái tranh, cái tượng mà chúng ta mang về dâng hương, cúng tế vẫn mãi là cái tranh, cái tượng. Bằng giấy, bằng gỗ, bằng đất, bằng đá mà thôi! Mãi mãi nó vẫn là thế! Nhưng như vậy thì không lẽ là ta đang tôn thờ mảnh giấy, cục đất, cục đá, khúc cây hay sao? Như vậy thì là không phải. Ta vẫn đang thờ ông Phật, ông Thổ Thần, ông Tài Thần, Bà Chúa Xứ đó chứ! Nhưng mà đó là hình tượng mang tính biểu trưng về họ chứ không phải là họ.
Vì sao cần cái hình tượng mang tính biểu trưng này? Bởi vì tâm người phàm phu luôn luôn giao động, biến chuyển không ngừng nghỉ. Không có một phút giây nào an tĩnh mà quán về họ một cách trọn vẹn được, tức là nếu ta đứng trước một bàn thờ Thổ Thần mà không nhìn thấy cái hình tượng biểu trưng của ông ấy thì trong đầu ta không khởi lên được ông ấy trông thế nào, ra sao, có ngồi đây chứng giám ta khấn nguyện cúng tế hay là không?
Tương tự như thế, nếu ta vào chùa gọi là thắp hương cúng Phật mà ta không thấy cái tượng Phật đâu thì trong tâm ta lại nghĩ thế nào?
Ta nghĩ là không có ông Phật ở đây! Ta thắp nhang thỉnh nguyện, xin lơn hay xám hối chuyện gì ta lại nghĩ không có ai chứng giám, phù hộ, có phải vậy không quý vị?
Chính vì cái tâm phàm phu còn vọng động, không thể an định cho nên phải nhờ vào các giác quan để đưa đến quán tưởng. Chính vì vậy mà cần có một cái tranh, cái tượng mang tính biểu trưng để cho tâm ta có nơi gửi gấm vào đó mà an định, quán tưởng về cái vị mà ta đang thắp hương, cúng tế này.
Đó chính là nguyên do sự ra đời, tồn tại của tranh, tượng.
Vậy thì nếu không có tranh tượng mà ta cúng tế cho vị đó thì vị đó có nhận được không?
Câu trả lời là có, và không!
- Sẽ là có nếu tâm ta có thể quán tưởng về họ trọn vẹn.
- Sẽ là không nếu ta chỉ kêu tên, gọi danh xưng mà tâm ta không quán được đến họ.
Vì sao vậy?
Vì như tôi có nói trong các bài trước đây, thế giới tâm linh không đồng ngôn ngữ như con người trần tục, tức là ta nói họ không có nghe, nhưng ta nghĩ họ cảm thụ được.
Cho nên nếu khi ta niệm NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT! mà tâm ta không có quán đến ông ấy ra sao thì chỉ là nước đổ lá khoai, không có linh ứng chi cả.
Nhưng nếu ta niệm câu ấy mà trong tâm ta quán đến ông ấy thì lại có linh ứng.
Đó là vì sao ta lại thấy là khi gặp ma quỷ quấy phá, ông này sợ quá ông niệm Nam mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, hay là Nam Mô Kim Cang Thủ Hộ Pháp.... gì gì đó nhưng con ma nó không sợ, nó còn lấn tới nữa? Vì sao vậy?
Không phải là chư vị ấy không hiển linh đâu mà chính ta đang hoảng loạn, thần trí không thể an định mà quán đến họ, nên miệng kêu tên, gọi danh mà tâm không có họ thì làm sao họ nghe, họ cảm ứng được. Vậy rồi lại quay sang trách khứ, phỉ báng rằng Phật đạo dụ gạt, lừa phỉnh, kỳ thực là do ta chưa hiểu cho rõ cái căn nguyên sự việc mà thôi!
Nhưng có ông sư kia ông ấy cũng chỉ niệm có mấy câu như thế mà ma sợ, quỷ chạy là vì sao?
Đó là vì tâm ông ấy hằng ngày hằng giờ đã có sự quán tưởng đến chư vị ấy rồi, hôm nay ông niệm thì lập tức tâm trí ông dễ dàng quán đến ngay, đó chính là sự khác biệt này.
Hay ta thấy mấy ông thầy pháp trong huyền môn. Ông ấy vẽ phù, ông niệm chú, ta học ta làm theo y chang vậy mà chẳng có linh lực gì cả, bởi ta niệm chú khi đó tâm ta quán gì? Còn ông ấy niệm thì ông quán gì? Ông ta đâu có chỉ mà ta biết, cho nên bắt chước, học lỏm mà có thành không? Làm sao thành được??? Như vậy mới cần khẩu quyết, mới cần đến tôn sư chỉ dạy, chứ ôm quyển sách mà học thành công thì đó là phi phàm rồi!
Rồi thì mua tượng, mua tranh về người ta hay có cái lễ Hô Thần Nhập Tượng (Thần này không phải chữ Thần trong Thần Thánh mà là Thần này là Nguyên Thần. Tức là Thánh Linh, Tinh Linh của chư vị ấy, tức là trong cái buổi lễ ấy người chủ lễ phải làm thế nào quán cho được và cung thỉnh Thánh Linh cảm ứng tương giao với pho tượng, bức tranh đó để mai này dễ dàng giao thoa tương cảm mà chứng giám khấn nguyện của thiện tín.
Thấy vậy chứ không phải là vậy đâu quý vị à, tôi cam đoan bây giờ 100 pho tượng được làm lễ Hô Thần Nhập Tượng chỉ có 1 hay 2 pho tượng là có linh thần tương ứng mà thôi!
Bởi cái tâm của người chủ lễ làm pháp hô thần mà mắt liếc đến cái bao đỏ trên bàn kìa, coi nó dày hay mỏng, ít hay nhiều mà thôi, thì thánh thần nào hiện về đây? Có ông Wasington gì đó ổng hiện về thì có bởi tâm trí ông chủ lễ toàn hình ảnh ổng hiện lên mà?
Vậy thì ta tự làm ở nhà có được không?
Được chứ sao lại không?
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành!
Tâm ta mà tưởng được họ không phân biệt là tăng hay là phàm gì cả đâu, vẫn có linh ứng!
Thí dụ mọi người muốn thờ Quán Thế Âm thì làm thế này tôi cam đoan 10/10 tượng đều có linh cảm tương ứng.
Trước tiên phải chay giới 1 tháng hoặc 1 tuần, (phải giữ ngũ giới chứ không phải chỉ ăn chay mà uống rượu nhé).
Chọn ngày rằm, mồng một nào đó trong tháng rồi bài mâm hoa quả, nhang đèn trước bàn thờ, phủ tượng bằng tấm vải đỏ. Thắp 3 nén nhang tế cùng trời đất, thập phương, đảnh lễ mỗi phương 3 vái, sau đó hướng về tượng phật mà vừa khấn vừa tưởng về hình tướng trang nghiêm cao đẹp của đức Quán Thế Âm,
Lời khấn (Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát... 3 lần, thiện nữ/nam con tên họ là.... ngụ tại... hôm nay cung thỉnh pho tượng này bằng ... (gỗ, đất, đá...) để hằng ngày có nơi thâu thần quán tưởng mà đảnh lễ cùng ngài, kính xin ngài cảm ứng chứng minh, khai thần điển hóa, từ nay con nguyện xem thấy tượng như thấy ngài, nguyện nương theo oai thần và lời chỉ dạy của ngài mà siêng hành thiện, giúp người, bố thí, phóng sanh! Gieo tạo phúc nghiệp, sớm ngày viên mãn!!!
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát 3 lần (hoặc tượng vị phật khác)
Trở lại câu hỏi là có nên thay tượng mới không, thì sau khi tôi chỉ rõ cái lẽ về tranh tượng bên trên rồi thì quý vị xem có nên thay tượng mới không là do quý vị chọn lấy.
Riêng tôi thì nếu là pho tượng đã được khai thần tương cảm (hay hô thần nhập tượng) rồi thì không nên thay, bởi vì dù nó có cũ, có rách, có sứt đầu, mẻ trán lên rỉ sét đi nữa thì sự linh cảm của nó đã nhiều hơn rất nhiều lần so với cái tượng mới tinh mang ngoài tiệm về chứ? Bởi vì cái tượng cũ này đã được ta hàng ngày quán tưởng, sự tương hợp cảm ứng ít nhiều đã có rồi, ta thay bức tượng mới thì coi như bỏ hết làm lại từ đầu rồi còn gì!
Vậy khi thay tranh, tượng mới ta làm thế nào?
Nhiều người nghĩ là nên thả trôi sông, điều này là không đúng đâu!
Nhiều người sợ không dám phá lại mang ra bỏ góc đường, sọt rác càng sai hơn nữa!
Việc đúng nên làm là mang tượng, tranh mới về, để song song cả hai rồi hô thần nhập tượng cho tranh tượng mới, sau đó dùng một ly nước tinh khiết thật sạch thấm khăn mà lau lên tượng cũ tâm tưởng, lời khấn rằng: Oai linh Bồ tát, thụ cảm cựu bản, nay con mong muốn thay bằng tượng mới để thêm phần trang nghiêm, tôn kính, xin người cảm ứng chứng minh, mang thần khí thâu nạp từ pho tượng cũ này mà chuyển sang pho tượng mới, từ nay con xin được xem tượng cũ này là (đất, gỗ, đá.... vật liệu làm tượng), sau đó dùng khăn đó lau sang tượng mới.
Cái tượng cũ sau buỗi lễ ta có thể đốt đi hoặc giã vụn thành đất, thành đá, thành gỗ gì đấy để cho người khác nhìn không tưởng đến được hình tướng vị đó nữa! Khi đó thì ta xem như những thứ vật dụng bình thường, xử trí tùy theo điều kiện phù hợp với mỗi người!
Việc này tuy nhỏ nhưng lại không thấy nơi nào chỉ dẫn, đề cập làm cho không ít tín chúng lo lắng băn khoăn, cho nên hôm nay tôi thuyết ra đây, mong là hữu ích cho mọi người.
Chúc tất cả tinh tấn, bình an!