Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

QUY LUẬT TAM GIỚI

HÃY GIỮ MÌNH THANH TỊNH!

24h
24h
HÃY GIỮ MÌNH THANH TỊNH!

Ngày nay, người Phật Tử hoặc là tại gia, hoặc là Tỳ Kheo, các thầy tu ở chùa tự, do chế luật không thể tùy ý diện y phục, nhưng ngay cả việc mặc y phục theo giới luật cũng làm cho tín chúng bận tâm, tốn kém không ít tài bảo của nhà chùa. Có những chùa lớn, được phật tử cúng dường nhiều thì một số vị còn bày biện các cách thức khác cho y áo thêm phần (xa hoa). Như chọn vải tốt, may đẹp, hoặc có giá trị, có viền hoa..v..v

Trong nhiều lần trước thầy đã có nhắc rằng: Thanh Bần - chưa chắc là vi đạo.

Nhưng Phóng Dật nhất định sẽ là Lạc Đạo, hãy thức tỉnh và suy tư.

Nhân dịp lễ DÂNG Y hằng năm thầy xin trích lại lời huấn thị này!

"Luật Tứ phần ghi rằng, sau khi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, năm anh em ông Kiều-trần-như, họ kiến đế, đắc giới, thành Tỳ-kheo. Đó là những thầy Tỳ-kheo đầu tiên trong Tăng-già Phật giáo. Năm vị Tỳ-kheo này liền bạch Đức Thế Tôn: “Chúng con nên thọ trì y gì?”. Đức Thế Tôn bảo: “Nên thọ trì y phấn tảo và những loại y đã nhuộm thành màu ca-sa”.

Y phấn tảo, tiếng Phạn là pāṃsu-kūla, có nghĩa là những tấm vải người ta vứt ở ngoài đường, trong đống rác, hay ở nghĩa trang, lấm lem bụi đất và bất tịnh, người xuất gia nhặt lấy đem về giặt sạch, rồi cắt rọc may thành y áo để mặc. Luật Ma-ha tăng kỳ, quyển 16, nói: “Y phấn tảo là những tấm vải dơ, xấu người ta vứt bên đường, lượm lấy đem về giặt, khâu vá lại thành y áo mà mặc”.

Y còn gọi là ca-sa, tiếng Phạn là kaṣāya, có nghĩa là những loại vải đã không còn giữ được màu sắc chính, bằng cách dùng các vỏ cây giã ra lấy nước rồi nhuộm vải. Những tấm vải này có màu vàng nâu, người ta gọi là hoại sắc y (không còn chính sắc vàng, trắng, v.v…).

Kinh Mười hai hạnh đầu-đà ghi rằng, mặc y phấn tảo là một trong mười hai hạnh đầu đà ấy. Kinh Đại bảo tích, quyển 114, cho biết người mặc y phấn tảo sẽ đạt được phước đức lớn là đắc pháp tràng, đắc chủng tánh, được an trụ, được chuyên niệm, được thiện hộ, được hướng môn và được thuận pháp. Luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, quyển 16, cho biết người đắp y phấn tảo được mười điều lợi, đó là: tàm quý; ngăn ngừa nóng, lạnh, muỗi mòng; biểu thị nghi pháp của Sa-môn; hết thảy trời người nhìn thấy pháp y đều cung kính, tôn trọng; tâm lìa nhiễm trước, không còn ham thích cái đẹp; tùy thuận tịch diệt, không bị phiền não thiêu đốt; khi mang pháp y, làm điều ác dễ thấy; không thể dùng đồ trang sức lên pháp y; tùy thuận Bát Thánh đạo; tinh tấn hành đạo, không để tâm ô nhiễm dù chỉ trong giây lát mang y hoại sắc.

Luật Tứ phần cho biết, lúc đầu, các Tỳ-kheo thường lượm những tấm vải xấu xí và cũ rách người ta vứt bỏ ở những bãi rác, hoặc ở bãi tha ma đem về giặt sạch may thành y để mặc. Các Phật tử thấy thế sanh lòng cung kính, tâm từ niệm phát sanh, lấy vải tốt quý xé ra đem bỏ ở bãi rác để cho các Tỳ-kheo nhặt lấy đem về dùng. Nhưng các Thầy không dám nhặt. Việc ấy Đức Phật biết, Ngài dạy: “Nếu họ vì các thầy Tỳ-kheo thì nên lấy”.

Vậy thì ngày nay, y áo có còn phản ánh tâm tánh của người tu không?

Không hẳn là có, nhưng với người để tâm mình phóng dật theo nó thì sẽ làm cho người đó bị cuốn vào sắc dục, lục căn không thể nào thanh tịnh được!

NGƯỜI HỌC PHẬT NÊN LẤY SỰ GIẢN DỊ LÀM NỀN NẾP, LẤY SỰ TU SỬA LÀM LỀ LỐI TỰ TÂM.

Tu là hướng vào bên trong tâm tánh chứ không phải để tâm mình bị dẫn dụ bởi ngoại cảnh hình thức bên ngoài!

Chúc tất cả an lạc!
24h