Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

QUY LUẬT TAM GIỚI

NGỤ Ý CỦA BA CÁI GÕ ĐẦU

24h
24h
NGỤ Ý CỦA BA CÁI GÕ ĐẦU.

Có lẽ đối với tất cả mọi người, ai ai cũng đã từng biết qua câu chuyện TÂY DU KÝ mà Ngô Thừa Ân đã dựng tạo từ con đường thỉnh nguyện chân kinh của Tam Tạng Pháp Sư Trần Huyền Trang.

Trong mớ hỗn tạp hư cấu huyễn hoặc ấy lại có sự lồng ghép thâm cao trong một vài tiểu tiết về đạo học, về ý nghĩa của Tôn-Sư và sự phân định Giác Căn không đồng thể của mỗi người.

Truyện rằng: Dù Con Khỉ Tôn Ngộ Không đã có quyết tâm dũng mãnh, bất chấp tính mạng, hiểm nguy để tìm đến Bồ Đề Lão Tiên học đạo trường sinh. Nhưng ông vẫn một mực khước từ, nhưng sau đó vì sao lại thâu nhận mà còn truyền cho 72 thuật biến hóa thần thông?! Thứ mà trong tất cả các môn đồ (thông thái) khác đã tu tập cùng ông hơn mấy chục năm qua vẫn không hề nhận được?!

Trong Phật Môn ta thấy cũng có sự tương tự như trên. Từ cách truyền thừa của chư vị Thiền Tông Tổ Sư, khai thời từ Đạt Ma cho đến Nhị Tổ, Tam Tổ... và sau cùng là Lục Tổ.

Vậy rốt cuộc họ tìm người gì để truyền? Mà không phải là người bên cạnh? Tu lâu năm? Hay là người (thông thái)?

Lại quay về khởi tổ Phật Môn, khi Thích Ca Thế Tôn sắp nhập diệt ngài lại cố gắng chờ đợi Tôn Giả Ca Diếp trở về, truyền lại Y Bát rồi mới ra đi, chứ không phải là người bà con, là người thân cận và tu hành theo ngài nhiều năm nhất - KHÔNG PHẢI NGÀI A NAN.

Trong bài pháp (***NGƯỜI THẦY THẬT SỰ CỦA ĐỜI TA***), thì thầy đã có nhắc qua rằng: Con đường Đạo là một con đường của sự giác ngộ.

Mà đã là Giác Ngộ tức là tự mình thức tỉnh, nó phụ thuộc bảy phần do chính bản thân ta ý thức và kiên định. Phần còn lại mới là sự tiếp thu, huân tập từ Kinh Điển, Tôn Sư, và Ngộ Pháp.

Cho nên một người thầy không dạy cho ta trở thành Giác Ngộ được, mà ta phải Giác Ngộ rằng: Thầy dạy cho ta cách thức ta tự tìm Giác Ngộ.

Trở lại với ba cái gõ đầu của Bồ Đề Lão Tiên.

Ông ấy gõ vào đầu Con Khỉ ba cái: (tức kêu canh ba con lại ta truyền đạo phải không)?!

Làm gì có chuyện đó!!!

Nó hoàn toàn không phải chỉ đơn giản nói về ngụ ý thời gian con sẽ nhận được sự truyền dạy của ta.

- Cái gõ thứ nhất - 'bộp': Ngộ Không đứng yên đón nhận! Đó là ngụ ý rằng - con có tin ta không? Vì nếu không tin Ngộ Không theo bản năng sẽ nhảy tránh sang một bên khác! Và đó là điều đầu tiên để học đạo hay học bất cứ lẽ gì trong đời đều cần có tiên quyết vẫn là một (lòng tin trọn vẹn). Điều này Ngộ Không đã đạt được.

- Cái gõ thứ hai - "bụp": Lần này mạnh hơn lần trước một chút, cách lần trước một ít thời gian và đôi mắt Bồ Đề Lão Tiên nhắm nghiền giơ cây phất trần gõ xuống. Lần gõ này là lần gõ của sự Kiên Định. Đã gõ một cái rồi, cái tính khỉ của ngươi ất đã nhảy sang một bên để tránh tầm của cây phất, nhưng không phải - Ngộ Không vẫn đứng yên chỗ cũ và cây phất gõ xuống vẫn kêu một tiếng lớn hơn lần đầu!

Đó chính là ý chí kiên định của niềm tin - rằng con tin thầy và niềm tin đó không có lay chuyển theo thời gian - Và điều này Ngộ Không cũng đã đạt được!

- Cái gõ thứ ba: 'chạch' - một cái gõ khẽ khàng, vừa chạm đến đỉnh đầu con khỉ. Nhưng cái gõ này lại là cái gõ quyết định việc tận truyền các pháp cho con khỉ kia.

Cái gõ nhẹ nhàng lần này là để quán định chơn khí toát ra từ bách hội (nơi đỉnh đầu) của con khỉ kia xem Pháp Tâm có tồn tại trong người hay không?!

Pháp Tâm không phải là Từ Tâm, không phải là Thần Khí, mà Pháp Tâm là Giác Căn Tự Bổn khi sanh ra đã có căn duyên để ngộ Pháp huyền môn.

Tỉ dụ có người khi sanh ra đã có (năng khiếu) hội họa, có người có (năng khiếu) âm nhạc, thì Pháp Tâm này cũng tương tự như (năng khiếu) vậy:

Trong câu chuyện thì Bồ Đề Lão Tiên đã định đủ những yếu tố để truyền dạy cho Ngộ Không về thuật biến hóa của Thần Thông.

Ngụ ý đó với người học đạo Phật Môn hoàn toàn không sai khác bao nhiêu, chỉ khác ở chỗ Giác Tâm để học pháp nhà Phật có khác với Giác Tâm học huyền môn biến hóa mà thôi!

Giác Tâm nơi nhà Phật định cân chính là Chân Tánh Bản Sơ của mỗi người (khi không bị ý thức quản chủ), mà trong chùa người ta hay gọi nôm na là: (căn duyên) với nhà Phật!

Căn Tánh không bị ý thức quản chủ thì khó mà hiển lộ khi ý thức còn minh tỉnh.

Bởi thế cho nên trước kia, để trở thành Tỳ Kheo phải trãi qua giai đoạn Chú Tiểu hay là Người Làm Công Đức trong chùa một thời gian, ngày nay thì việc quy y dễ hơn đi chợ mua rau, việc xuất gia dễ hơn đi học hớt tóc, sửa xe.

Mừng thì có mừng vì người quy y càng lúc càng đông. Nhưng lại lo vì người có Giác Tâm càng lúc càng ít dần!

Cho nên Phật Đạo đi vào Mạt Pháp! Người ngộ, kẻ mê trộn lẫn, đan xen, bá tánh chúng sanh quờ quạng tín niệm!

Cổ nhân đời trước, trước khi họ nhận người nào vào vị trí trọng yếu của quốc gia hay sẽ truyền lại Tâm Ấn, Môn Phái họ đều bày ra rất nhiều thử thách! Trong đó tựu chung lại vẫn là thử lấy Giác Tâm để Sơ Tánh hiển lộ (có người khi say sẽ lộ sơ tánh, có kẻ khi yêu sẽ lộ sơ tánh, có người khi có chức quyền sẽ lộ sơ tánh, cũng có kẻ khi có chút tiếng tâm sẽ lộ sơ tánh).

Học Đạo, Cầu Pháp là con đường cho vạn kiếp lai sinh, đâu phải con đường cho danh vọng, bạc tiền, an vui, tự tại của năm sau, hay về già?!

Và nếu là con đường độ pháp, không chỉ là con đường cầu đạo của riêng một cá nhân ta, mà nó còn là Họa- Phúc cho hàng vạn chúng sanh mê lầm, tìm cầu chân chánh!

Mong rằng: những ai nghĩ mình đang học đạo, cầu pháp, hãy liễu thâu về thâm ý của ba cái gõ đầu này để tự mình hằng ngày gõ lấy, giục mình thức tỉnh, không ảo vọng, lầm mê!!!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!!!
24h