Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

QUY LUẬT TAM GIỚI

NGƯỜI THẦY THẬT SỰ CỦA ĐỜI TA?

24h
24h
NGƯỜI THẦY THẬT SỰ CỦA ĐỜI TA?

Ngày nay, dù có không ít người vì nhiều căn duyên khác nhau liễu ngộ ra được sự vô thường của thân mạng, có người được chỉ dẫn từ những bậc tu hành, có người do vừa trải qua cơn bạo bệnh, có người vừa thất bại trên đường đời, lại có người vừa đau khổ trên con đường tình ái! Nhưng thật khó để tìm cầu một minh sư chân chánh để dắt dìu, hướng dẫn, chỉnh sửa cho ta đi đúng con đường chánh đạo!

Hơn nữa do chưa đủ quyết tâm, chưa thể sớm chiều gạt bỏ được sợi dây vô thường của đời người với bao nhiêu trách nhiệm, lo toan vì vậy có không ít người tìm kiếm những điều mình còn mơ hồ, hoài nghi trong sách vở, trong tạng kinh, hoặc lượm nhặt đâu đó trong một trang mạng. Tiếc thay! Câu hỏi đặt ra chỉ có một mà câu trả lời tìm được lại có đến năm, bảy đường. Mỗi đường, mỗi kiểu lại chẳng giống nhau có khi còn mâu thuẫn, trái ngược nhau nữa! Vậy ta biết hướng về đâu!? Lối nào cho phải?
Kinh tạng chỉ như những người bạn chứ không thể như một người thầy, khi ta đọc nó xong cần tham chiếu với thực tiễn, phần nào phù hợp thì ta tiếp thu, phần nào chưa hợp thì ta khảo cứu lại từ nhiều nguồn khác!

Các trang mạng cũng thế, đa phần chỉ sao chép lại từ kinh, sách mà ra nếu kinh sách chưa đúng cũng không ai chỉnh đốn, tu sửa lại cả! Người đã hiểu đọc vào tự sẽ hiểu ra chỗ còn sai sót đó. Người chưa hiểu đọc vào lại ngộ nhận lầm tưởng và xem đó là (chân lý) rồi! Nhưng khi mang ra áp dụng thực tế mới rõ là hóa ra không phải như vậy!

Phật Giáo, huyền môn là những điều thâm sâu vô tận, người đã liễu ngộ thì xem phàm phu như người đang mê, có nói e cũng chẳng hiểu được. Kẻ chưa thể ngộ học được chút ít sơ căn lại mang ra đàm luận, viết sách, viết kinh bán buôn kiếm lợi, vì thế cho nên người đời sau càng ngày càng ngộ nhận mang sai lầm làm chân lý, còn khi nghe điều đúng chân thực lại chỉ xem đó là mê lầm. Ai mê, ai tỉnh tự họ nhận lấy! Nếu nơi kinh sách mà có thể giác ngộ thì sao càng ngày càng ít chân sư.

Khi Thế Tôn sắp nhập diệt, tôn giả A Nan bạch với ngài rằng: (Nay Thế Tôn nhập vào niết bàn, chánh đạo từ nay chẳng còn người dẫn dắt, chúng con biết nương tựa vào đâu)?

Thế Tôn đã trả lời rằng: (Những gì ta đã dạy trải qua năm trăm năm, một ngàn năm có thể sai lệch, thất truyền. Người tu hành sẽ chỉ còn như người đi trong đêm tối. Cho nên mỗi người phải biết tự thắp đuốc lên mà đi!)

Thắp đuốc lên mà đi!? Ngọn đuốc ấy thế tôn muốn nói chính là cái thiện tâm, cái lý của nhân quả, cái sự của vô thường! Chúng ta không nên tin gì hơn ngoài cái chân thật trong chính tâm ta. Nếu ta nghe lời nào không hợp lẽ đời, không đúng nhân quả, không thuận thiên địa thì dù cho có gán ghép đó là di huấn Thế Tôn ta cũng chẳng nên tin! Còn nếu ta đọc được điều gì hợp với lẽ đời, thuận với chánh pháp, thuận với thiên địa thì chắc rằng đó là lời Thế Tôn đã giải nói. Bởi người là bậc vô thượng đã chánh đẳng giác chẳng thể nói lời dư thừa, chẳng nói lời gian dối!

MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐƯƠNG TRONG THỜI MẠT PHÁP, PHẢI BIẾT PHÂN RÕ ĐÚNG SAI, TỐT XẤU! NẾU KHÔNG MAY MẮN TÌM ĐƯỢC CHO MÌNH MỘT BẬC CHÂN SƯ THÌ HÃY TỰ MÌNH LÀM THẦY CỦA MÌNH, ĐỂ CHO THIỆN TÂM DÌU DẮT THÌ VẪN SỚM NGÀY VIÊN MÃN CHÁNH PHÁP HƠN LÀ ĐẦU LỤY MA VƯƠNG TÌM CẦU HƯ ẢO!
24h