Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

QUY LUẬT TAM GIỚI

CUNG BẬC GIÁC NGỘ

24h
24h
CUNG BẬC GIÁC NGỘ.

Nếu ví giác căn của mỗi người như những nốt thăng, trầm trong lý nhạc thì thầy tạm chia ra thành 7 hạng giác căn của những người ngộ chấp.

Tưởng rằng mình tu, nhưng kỳ thực không phải là tu, nghĩ rằng mình ngộ nhưng quả thực chưa hề giác ngộ.

Buồn thay! Người mê chấp tìm về Phật Đạo đã thưa dần, mà người tỉnh thức tìm về chánh pháp rồi, lại mãi loay hoay không biết đường nào là nẻo giác, mãi huyễn hoặc, chìm đắm trong u mê dù rằng luôn tự xem mình là người phật tử, là người đã biết tu, biết pháp.

Hôm nay thầy xin mượn 7 nốt trong lý nhạc để biểu trưng cho 7 tầng ngộ giác đối với bậc sơ căn.
Ngay trong bậc sơ căn thôi cũng đã phân tầng, định lớp giác ngộ nhiều vô số hà huống là bậc thượng căn, là người ngộ giác. Cho nên mới thấy dù cùng là Phật tử, cùng là người học pháp cùng bái tông sư nhưng tất thẩy đều không đồng ngộ như nhau, tất có sự phân biệt!

- Trước hết thầy xin mượn nốt (ĐỒ), nốt ĐỒ này cũng giống như hạng người sơ căn nhập pháp, họ đọc đi đọc lại 1 bài kinh, 1 câu chú nào đó, lặp đi, lặp lại trong vô thức tức chỉ là ĐỒ ĐI, ĐỒ LẠI TRÊN NÉT VẼ SẴN CÓ.

Như trẻ con tập đồ chữ viết, chỉ để quen mặt, biết hình chứ hoàn toàn không phải đã là tu. Vậy mà nhiều người giỏi ĐỒ lại tự cho mình là đang tu, đang sắp thành Thánh Quả. Đó chính là sơ căn trong hàng nhập pháp, chưa có chút công hạnh nào cả thì hà huống còn nói tới (hồi hướng, sẻ chia công hạnh ấy), nên tỉnh thức, liễu giác.

- Hạng thứ nhì thầy xin mượn đến nốt (RÊ).

Rê ở đây ta tạm hiểu rằng là rê qua, rê lại, tức là tuy đã có khác với ĐỒ ở chỗ là đồ thì vẽ đi, vẽ lại trên cùng một chỗ, còn Rê thì biết dời đi nơi này, nơi khác, nhưng nó vẫn là nguyên thể của hình thái ban đầu, tức nếu nghe một bài kinh, họ có thể dời đến nơi khác thuật lại đúng nội dung bài kinh ấy, tuy ngữ từ có thay đổi đôi chút nhưng nội dung vẫn là nguyên thể, thì đây là dạng RÊ PHÁP. chứ có phải là NGỘ PHÁP đâu?!

- Hạng thứ ba thầy lại mượn nốt (MI).

Hàng sơ căn này đã là hàng vượt hơn so với ĐỒ & RÊ vì đã có thể hiện cái TÔI, cái TA trong ngộ giác. Tức là họ đã biết thêm thắc những điều của riêng họ vào trong các pháp, nhưng cái Tôi, Cái Ta này lại được thượng tôn lên trên hết, họ thường sáng chế ra các cách riêng biệt rồi gọi đó là Pháp, là Ngộ. Tự mình dối mình, tự huyễn hoặc mình, hàng sơ căn này đôi khi còn làm cho nhiều người tín niệm khác tự hoài nghi chánh đạo, hoặc bắt chước làm theo, giác ngộ chưa tới đã thấy ma vương chực chờ. Rất là bất an, rất là nguy hại cho chánh pháp.

- Hạng thứ tư thầy lại mượn nốt (Fa).

Nốt Fa này nhằm chỉ cho những kẻ hạ căn, tuy có đọc qua nhiều pháp phật, tuy có thuộc lào nhiều kinh điển, nhưng không có sự tư duy và thực hành tu chỉnh, họ chỉ biết pha trộn các pháp thành một mớ hỗn tạp bồng bông. Sáng niệm chú, chiều tụng kinh, tối ngồi thiền, hôm sau lại chế thành, sáng ngồi thiền, tối đọc chú, chiều niệm phật!

Họ mênh mông bất định trong đống hỗn độn các thứ mà mình dung nạp được, không chắc con đường nào mới là chánh, họ mông lung, buâng khuâng. Họ chấp vá pha trộn các pháp thành mớ hỗn tạp, rối ren, càng tu càng mê muội, càng tu càng động loạn, không khéo còn rơi vào cuồng loạn, đảo điên.

- Hạng thứ năm thầy xin mượn nốt (SOL).

Nốt SON này như là một dấu tròn đỏ. Là một dạng ký hiệu, họ khoa trương, họ muốn ghi dấu ấn, muốn cả thiên hạ biết mình đang tu, dù bản thân họ không biết mình đang tu kiểu gì.

Họ ngày ngày khoác áo nâu, đi đâu cũng niệm phật, đọc chú, coi nặng lễ lạc, thờ cúng, chiêm bái mà không hề quán xét đến tâm tánh của bản thân mình.

Buồn thay! Hàng sơ căn này lại chiếm phần nhiều trong hàng Phật tử ngày nay, họ chỉ muốn người ta biết mình tu chứ họ không quan tâm bản thân mình có thực tu, thực chứng.

- Hạng thứ sáu thầy tạm mượn nốt (LA).

Hạng sơ căn này cũng là khoa trương như hạng nốt SOL bên trên, tuy nhiên vì họ đã ý thức được sự nặng nhẹ của nội ngoại giác, nên họ đã biết từ bỏ các thứ huyễn hoặc bên ngoài.

Họ thường chỉ khoe khoan trong pháp hội, trong những bậc đồng tu. Tính kêu ngạo, thái quá.

Hàng sơ căn này khác với hàng sơ căn bậc SOL ở chỗ là họ thường xuất hiện trong tăng đoàn chứ không phải phổ biến trong hàng phật tử như hạng SOL trên.

Và vì sự xuất hiện của họ là trong tăng đoàn nên càng là mối hại nguy cho uy tín chánh pháp, càng làm cho ngoại đạo, ác ma được phần chê trách, gièm pha chánh đạo.

- Hạng thứ 7 thầy mượn nốt (SI).

Đay chân thực mới là hàng ngộ pháp. Si ở đây thầy tạm diễn giải là SUY LUẬN, SUY NGHĨ. Tức khi đọc một câu kinh, một bài pháp họ phần nhiều dành thời gian, tâm trí để suy nghĩ về ý nghĩa của lời huấn thị đó, rồi suy luận đến sự hợp lý của câu kinh, bài pháp đó, đối chiếu với nhân quả, với thực tại cuộc đời.

Từ đó sẽ đưa đến cho họ sự nhận thức chanh chánh, nhận thức này khi đó sẽ biến thành nền tảng căng bản của mọi ý niệm, suy nghĩ và hành động.

Vậy thì ngay hôm nay đây, sau bài pháp ngộ này mỗi người chúng ta hãy tự mình suy ngẫm xem mình đã có tu chưa? Mình có phải là Phật tử chưa? Và mình có thật sự là giác ngộ hay chưa?

Tu là không ngừng cải sửa. Ngay lúc biết mình sai thì mình phải cải sửa mới dần tiến bộ hơn.

Chúc tất cả an lạc, tinh tấn!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!!!
24h